Đua xe đạp lòng chảo
Đua xe đạp lòng chảo là một trong những môn thể thao hấp dẫn nhất tại Olympic. Được ví như là hình thức đua xe công thức 1 với chi phí thấp hơn, không khí trong nhà thi đấu luôn rộn ràng, náo nhiệt không kém trường đua F1 khi khán giả xem các tay đua đạp xe với tốc độ “xé gió”.
Đua xe đạp lòng chảo rất khác biệt so với xe đạp đường trường, là môn khá tốn kinh phí và nguy hiểm, xe đạp đua được thiết kế chắc chắn hơn xe đua thường (tất nhiên nặng hơn), bánh thường đặc để triệt tiêu lực cản do căm xe đập vào không khí tạo ra. Vận động viên xe đạp lòng chảo thường tránh dẫn đầu cho đến những phút cuối. Ngoài tốc độ, thể lực và sức bền, còn phải có óc quan sát phán đoán tốt, kỹ năng chạy chậm tốt, biết đưa ra chiến thuật hợp lý một cách nhanh nhất.
Khi đã tập đua lòng chảo, các tay đua thường có xu hướng đạp với số vòng quay (cadence) lớn hơn so với khi đạp xe trên đường trường. Cadence khi đạp xe lòng chào vào khoảng 110-130 vòng/phút, so với đạp xe đường trường trung bình vào khoảng 90 vòng/phút.
Xe đạp dùng cho đua lòng chảo không có phanh, chỉ có 1 số nên không có cơ chế thả trôi (freewheel). Chính vì cấu tạo như vậy, người chơi sẽ cải thiện được kỹ năng điều khiển xe một cách nhanh chóng”.
Để đạt được tốc độ cao nhất, ngoài xe đạp được chế tạo bằng vật liệu carbon siêu nhẹ với kiểu dáng thiết kế khí động học, các VĐV còn mặc bộ skinsuit bó sát cơ thể, thậm chí còn phải cạo lông chân để triệt tiêu sức cản.
Nhiều tay đua đường trường thường chỉ đạp nhấn pedal hướng lên rồi hướng xuống, nhưng đạp xe lòng chảo sẽ dạy bạn cách đạp pedal xoay 360 độ nhiều nhất có thể. Bạn không thể nào vào đường đua lòng chảo chỉ để thư giãn. Một khi đã nhấn pedal, mọi thứ từ guồng quay, nhịp tim, tốc độ được đẩy lên mức cao nhất.
Đường đua lòng chảo (trong nhà):
Sàn đường đua lòng chảo làm bằng chất liệu gỗ. Chu vi của vòng nhỏ nhất của lòng chảo là 250m và lớn dần ở miệng lòng chảo. Độ dốc của lòng chảo từ vòng nhỏ nhất lên vòng lớn nhất hơn 40 độ.
Đua xe đạp lòng chảo (track cycling) có mặt ngay ở thế vận hội tại Athens 1896 với 5/6 bộ huy chương. Ở kỳ Olympic mùa hè đầu tiên này, xe đạp là 1 trong 3 môn có nhiều bộ huy chương nhất cùng với điền kinh (12) và thể dục dụng cụ.
Xe dùng cho đua lòng chảo:
Được thiết kế chắc chắn và nhẹ hơn xe đua thường. Bánh xe là loại bánh mâm (hoặc ít nan hoa) để triệt tiêu lực cản không khí.
VĐV xe đạp lòng chảo thường “né” dẫn đầu cho đến những giây phút cuối. Thay vào đó, các VĐV thường “núp gió” phía sau các đối thủ để tiết kiệm sức cho màn nước rút ở vạch đích.
Một chiếc xe đạp được gắn mác đạt tiêu chuẩn của UCI (Hiệp hội xe đạp quốc tế) có giá khoảng hơn 2.500 USD.
Các nội dung thi ở Olympic sẽ có:
- Đua nước rút: 4 môn (8 bộ huy chương nam/nữ)
- Sprint cá nhân nam/nữ: Rút theo kiểu đối đầu tay đôi từng cặp. Các cặp sẽ đua 2 lượt, mỗi lượt 3 vòng. Thứ tự xuất phát được bố trí luân phiên.
- Sprint đồng đội nam/nữ: Hai đội xuất phát từ 2 bên sân đối diện nhau. Nam (đội 3 người) đạp 3 vòng, mỗi VĐV kéo 1 vòng. Nữ (đội 2 người) chạy 2 vòng. VĐV đầu kéo 1 vòng, VĐV còn lại sẽ rút vòng cuối.
- Pursuit đồng đội nam/nữ: Hai đội xuất phát từ 2 bên sân. Nam (đội 4 người) đạp 16 vòng, tương đương 4km. Tính kết quả của VĐV thứ 3. Do vậy, về chiến thuật, đội nam có thể hy sinh 1 VĐV kéo đến khi “cạn xăng” cho đến những vòng cuối. Nữ (đội 3 người) đạp 12 vòng, tương đương 3km.
- Keirin nam/nữ: đua xe đạp kèm xe gắn máy: Keirin có xuất xứ từ Nhật Bản, tiếng Nhật có nghĩa là “đua xe đạp”. Mỗi lượt có 6 VĐV, đua 2km (tương đương 8 vòng sân) và chỉ đua nước rút ở 600 cuối. Ở 1.400m đầu, các VĐV đạp xe theo thứ tự (nhờ bốc thăm) đi sau trọng tài chạy chiếc xe mô tô hay xe đạp có gắn máy dẫn trước gọi là derny.
Trọng tài tăng tốc dần cho tới khi còn 600m cuối (lúc này tốc độ khoảng trên 50km/h) thì dạt sang một bên. Các VĐV rút cho tới vạch đích. Tốc độ của các VĐV có thể lên tới 70km/h khi cán đích.
- Đua sức bền (omnium): Omnium là môn đua đa năng hay đua phối hợp gồm 6 môn. Môn này lần đầu được đưa vào tại Olympic 2012. Giống như điền kinh 8 môn (nữ) hay 10 môn (nam) phối hợp, tổng số điểm của các môn sẽ quyết định thứ hạng của các VĐV. Đây là một trong những tấm HCV “vất vả” nhất tại Olympic bởi các VĐV sẽ phải thi đấu trong 2 ngày với 6 môn thi:
- Flying lap: chạy rút 1 vòng
- Points race: chạy vòng tính điểm, nam 30km, nữ 20km
- Elimination race
- Individual Pursuit: nam 4.000m, nữ 3.000m
- Scratch race
- Time trial: nam 1.000m, nữ 500m
Tại Olympic Tokyo 2020: Đội đua xe đạp lòng chảo Italy phá kỷ lục thế giới ở nôi dung đồng đội nam, với thành tích 3 phút 42 giây 032, nhanh hơn 0,3 giây so với kỷ lục cũ do chính họ thiết lập.
Chiến thắng của bộ tứ này cũng đã bổ sung thêm cho bộ sưu tập của đội tuyển xe đạp lòng chảo nam Italy tấm huy chương vàng thứ tám trong tám kỳ Thế vận hội liên tiếp.
Giành huy chương bạc ở nội dung này là nhà đương kim vô địch thế giới – đội Đan Mạch (thành tích 3 phút 42 giây 198), huy chương đồng thuộc về đội Australia.
Olympic Paris (Pháp) 2024, Xe đạp Việt Nam chỉ giành 1 suất tham dự duy nhất trong nội dung đường trường cho cua-rơ Nguyễn Thị Thật.
There are no comments